Bà Kaitlyn Glancy, Giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Flexport Inc. cho biết, các công ty luôn coi trọng độ tin cậy của luồng hàng hóa và tính nhất quán trong giá cả. Nếu đảm bảo, họ sẵn sàng cam kết một phần hàng nhập khẩu với mức giá cố định trong hợp đồng. Tuy nhiên, bà Glancy cho biết nhiều khách hàng của Flexport đang có hàng tồn kho trị giá 20.000 USD mỗi hộp, sẵn sàng tham gia thị trường giao ngay để tăng lợi nhuận.
"Chi phí vẫn là yếu tố quan trọng nhất đối với khách hàng. Một số người quyết định không ký hợp đồng vận chuyển ngay vì họ không lo hết tàu trong những tháng tới. Trong khi đó, các hãng vận tải biển đang nhận tàu container đã đặt thiết kế trước đó nhưng nhu cầu về không gian vận chuyển ngày càng thấp", bà Glancy nói.
Các nhà nhập khẩu thường ký kết hợp đồng mới vào giai đoạn giữa năm, khi đa số nhà bán lẻ có kế hoạch dự trữ hàng tiêu dùng cho mùa mua sắm. Bên bán lẻ cũng đang nhanh chóng ký kết giao dịch và sẵn sàng trả số tiền kỷ lục nhằm đảm bảo có đủ không gian tàu container.
Theo ông Michael Shaughnessy, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động và chuỗi cung ứng Balsam Brands Inc., công ty dự kiến ký hợp đồng vận chuyển trong vài tuần tới với mức chiết khấu khoảng 75% giá của năm ngoái, gần bằng với mức giá trong năm 2019. Do nhu cầu của thị trường, các hãng vận tải biển đang phải cố gắng lấp đầy chỗ trên các con tàu. Trước đó, vào năm ngoái, các nhà bán lẻ cung cấp quá nhiều hàng trong khi chi tiêu của người tiêu dùng thay đổi. Nhiều chủ hàng vẫn đang đối phó với lượng hàng tồn kho dư thừa.
Số lượng container nhập khẩu của Mỹ trong tháng 2 đã giảm 25% so với năm 2022 và thấp hơn 0,3% so với tháng 2/2019, theo dữ liệu của Descartes Datamyne. Giám đốc điều hành của Xeneta Patrik Berglund chia sẻ, nhiều nhà bán hàng đang cố gắng mặc cả giá vận chuyển xuống mức thấp mức, trong bối cảnh tỷ giá giao ngay tiếp tục giảm. Ông Berglund dự đoán giá vận chuyển đường biển sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới.
Cuộc khảo sát hàng tháng của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global với các nhà quản lý mua hàng cho thấy lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới sụt giảm trên toàn thế giới trong suốt nửa cuối năm ngoái và trong tháng 1. Cũng trong tháng 1, IMF dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,4% trong năm nay, từ mức 5,4% trong năm 2022.
Leah Fahy, chuyên gia kinh tế tại Công ty tư vấn Capital Economics (Anh) nhận định tình trạng nhu cầu suy yếu bên ngoài Trung Quốc sẽ kéo dài trong một thời gian nữa.
Thanh Thư (theo WSJ)
Comments